/ Phương pháp học

5 thói quen làm việc đáng học hỏi từ người Nhật

25 tháng 07, 2015
Cúi chào đồng nghiệp, sử dụng từ ngữ lịch sự, coi trọng sự yên tĩnh là một số thói quen làm việc ở Nhật khiến cả thế giới phải nể phục. Những phong cách làm việc đặc trưng này của Nhật đáng được học hỏi ở bất cứ môi trường công sở nào.
 

Bắt đầu và kết thúc mỗi cuộc gặp mặt bằng một lời chào
Dành thời gian để chào hỏi mọi người bất cứ khi nào bạn gặp họ có vẻ là chuyện phù phiếm, đặc biệt khi ai cũng bận rộn, tuy nhiên “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Những điều nhỏ như nói xin chào và tạm biệt với sếp và đồng nghiệp mỗi ngày làm việc hoặc kết thúc email với lời chào thân thiện có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc tăng cường mối quan hệ chuyên nghiệp.

Chăm chút cho nơi làm việc

Định kỳ, các trường học ở Nhật sẽ tham gia một hoạt động gọi là “souji” - dọn dẹp phòng học và ký túc xá. Toàn trường, từ học sinh, giáo viên tới hiệu trưởng đều phải lau sàn nhà, lau bảng và dọn rác, phế thải. Bởi học sinh biết rằng mình sẽ phải dọn dẹp nên sẽ có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung, đồng thời cảm thấy tự hào về trường hơn.
Cách thực hành này rất hữu dụng với nơi làm việc và có thể được áp dụng ở bất cứ công sở nào. Lần tới, khi bạn thấy văn phòng bừa bộn, thay vì nghĩ rằng “Nó đã như vậy trước khi mình thấy” và mặc kệ, hãy chủ động dọn dẹp. Nhặt rác ở hành lang, sắp xếp lại bàn ghế lộn xộn ở phòng họp - những hành động tưởng chừng nhỏ như vậy có thể cải thiện tâm trạng và thái độ của bạn về văn phòng/ công ty mình.

Học cách tôn trọng sự yên lặng

Người Nhật tin rằng mỗi suy nghĩ hoặc ý kiến đều tồn tại “honne” - cảm giác thực sự của bạn và “tatemae” - điều bạn nói với người khác để làm hài lòng họ. Điều này có nghĩa là mọi người không nên chỉ trích trực tiếp hoặc đối đầu với người khác.
Tuy nhiên, dù không nói, người Nhật vẫn biểu lộ cảm giác thực sự của mình một cách tinh tế. Chẳng hạn, khi một nhân viên lơ đễnh trong cuộc họp, sếp người Nhật sẽ nghiêng đầu và mím môi. Thay vì yêu cầu người đó nên tập trung vào cuộc thảo luận, sếp hi vọng anh/cô ấy sẽ hiểu rằng biểu cảm khuôn mặt thể hiện sự không hài lòng của mình.
Hãy chú ý nhiều hơn tới ngôn ngữ phi cử chỉ trong cuộc sống hằng ngày của mình. Bạn thấy những người phỏng vấn bạn tỏ ra hứng thú hay chỉ đang đếm từng phút cho tới khi bạn ra khỏi phòng? Mọi người có lắng nghe khi bạn thuyết trình hay tựa lưng vào ghế với ánh mắt xa xăm?... Một khi nhận biết được những dấu hiệu này, bạn có thể điều chỉnh cách ứng xử của mình một cách phù hợp.

Giữ bản thân tươi mới

Những phụ nữ Nhật sau bữa trưa có thói quen đánh răng và “tút tát” lại nhan sắc trước khi tiếp tục công việc. Bạn có thể nghĩ rằng đó là việc không cần thiết. Nhưng bạn có biết vẻ ngoài luộm thuộm có thể ảnh hưởng đến năng suất làm việc của đồng nghiệp?
Dù vẻ ngoài không phải là tất cả, những chi tiết nhỏ như đầu tóc gọn gàng, trang phục chỉn chu sau một buổi sáng làm việc “đầu bù tóc rối” có thể tạo thiện cảm với mọi người. Hãy thử một số điều giúp bản thân bạn tươi mới như bàn chải đánh răng, lược, đồ trang điểm trong ngăn bàn làm việc và đừng ngại sử dụng chúng.

Đừng bỏ lỡ những điều tưởng chừng nhỏ bé

Người Nhật nổi tiếng vì chú ý tới những chi tiết nhỏ - cây cảnh bonsai hay món sushi tinh xảo là bằng chứng điển hình. Điều này có thể áp dụng ở cả văn phòng. Nhiều nghi thức làm việc của Nhật liên quan tới những chi tiết tưởng chừng tầm thường như quy tắc ra vào thang máy, bạn nên ngồi ở vị trí nào trong taxi nếu đi cùng đồng nghiệp và loại nước nào bạn nên phục vụ khi tiếp khách hàng...
Hãy chú ý tới những chi tiết nhỏ trong thế giới công việc. Bạn biết cách tránh đánh sai chữ trong CV hoặc đến muộn trong cuộc họp, nhưng bạn đã bao giờ nghĩ về việc chú ý tới chỗ mình ngồi hoặc cử chỉ ra sao trong cuộc họp? Bạn có thể nói chuyện phiếm với mọi người trong thang máy? Cách bạn xử lý trước một cuộc gọi nhầm số?... Biết cách kiểm soát những chi tiết nhỏ sẽ tạo ra sự khác biệt trong việc khiến bạn chuyên nghiệp và được yêu mến hơn.

 
Theo DailyMuse