Theo hãng tin AFP, gói cải cách hoạt động ngân hàng và hệ thống tư pháp đã được quốc hội Hi Lạp thông qua với 230/300 thành viên ủng hộ. Đây là hai trong số hàng loạt điều kiện mà châu Âu buộc Athens thực hiện để được nhận gói cứu trợ 86 tỉ euro. Có 36 nghị sĩ Đảng cầm quyền Syriza bỏ phiếu phản đối gói cải cách hoặc bỏ phiếu trắng. Đảng Syriza và các đồng minh kiểm soát 162 ghế trong quốc hội, nhưng cuộc "nổi loạn" của nhiều nghị sĩ đã khiến con số ủng hộ ông Tsipras giảm xuống còn 123 phiếu.
Vị thủ tướng này buộc phải dựa vào các đảng đối lập để thúc đẩy quốc hội thông qua hai gói cải cách ngặt nghèo. Trước quốc hội, Thủ tướng Tsipras khẳng định Hi Lạp buộc phải thực hiện những lựa chọn khó khăn để vượt qua khủng hoảng. Các quan chức chính phủ Hi Lạp thừa nhận với sự chia rẽ của Đảng Syriza, Athens có thể sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào tháng 9 hoặc 10, sau khi châu Âu hoàn tất việc thông qua gói cứu trợ 86 tỉ USD cho nước này.
“Chúng ta có thể sẽ phải đi bầu cử sớm khi cần thiết” – người phát ngôn Chính phủ Hi Lạp Olga Gerovasili tuyên bố. Các nguồn tin từ Athens tiết lộ bản thân Thủ tướng Tsipras đang tính toán tổ chức bầu cử sớm ngay trong tháng 9 tới.
Giới quan sát phương Tây nhận định Thủ tướng Tsipras của thời điểm này và của sáu tháng trước đây giống như hai người hoàn toàn xa lạ. Trong quá khứ ông thể hiện lý tưởng, sự quyết liệt tới mức cực đoan, quyết tâm chống đối những chính sách thắt lưng buộc bụng khiến nền kinh tế Hi Lạp kiệt quệ. Tuy nhiên, hiện tại ông trở thành một chính trị gia thực tế và đầy toan tính. Ông chấp nhận hoàn toàn các yêu sách mà châu Âu đưa ra để Hi Lạp nhận gói cứu trợ thứ ba và thẳng tay loại bỏ các nhân vật chống đối. Theo báo New York Times, rất nhiều người ủng hộ Đảng Syriza bị sốc trước sự thay đổi này.
Theo báo Wall Street Journal, dù nhiều người dân Hi Lạp bất bình với những biện pháp thắt lưng buộc bụng cùng khổ mới, họ vẫn tin tưởng vào ông Tsipras. Theo khảo sát của Hãng Kapa Research, hiện tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Tsipras vẫn đạt mức cao 60%. “Người dân Hi Lạp nhận ra rằng ông Tsipras đã mắc sai lầm, nhưng ít nhất ông ấy đã nỗ lực hết sức để giúp đất nước. Họ tôn trọng điều đó” - nhà phân tích chính trị John Loulis thuộc Hãng tư vấn STR ở Athens nhận định. Khảo sát cho thấy người dân Hi Lạp không muốn quay lại với các chính trị gia và đảng chính trị từng kiểm soát hoàn toàn chính trường Athens, và bị buộc tội là đã đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng hiện nay.
Nếu bầu cử sớm diễn ra ngay trong thời điểm này, sẽ có tới 42,5% cử tri Hi Lạp bỏ phiếu ủng hộ Đảng Syriza của ông Tsipras, gần gấp đôi tỉ lệ ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ mới đối lập, theo khảo sát của Hãng Palmos Analysis.