/ Phương pháp học

7 tâm sự của một người nhân viên muốn được tỏ bày cùng sếp

29 tháng 07, 2015
Quan hệ cấp trên - cấp dưới luôn là một trong những vấn đề tế nhị ở môi trường làm việc ở thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Và một người nhân viên luôn luôn có những tâm sự muốn được giải bày cùng cấp trên của mình nhưng không dám.


Dưới đây là một số điều như vậy:

1. "Anh nói rằng anh tôn trọng tôi...vậy thì hãy giao cho tôi một nhiệm vụ quan trọng nào đó."

Giao cho nhân viên một nhiệm vụ quan trọng chính là dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng đối với người đó. Vì vậy, nếu là sếp bạn nên làm điều này thường xuyên khi có thể.

2. "Anh nói rằng anh tin tưởng tôi, vậy thì hãy giao cho tôi một nhiệm vụ quan trọng và để tôi quyết định cách thực hiện tốt nhất."

Việc các vị sếp yêu cầu nhân viên của mình phải làm công việc theo cách này hay cách khác là hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, nếu bạn giao một nhiệm vụ và không đưa ra quá nhiều hướng dẫn, nhân viên của bạn hiểu rằng sếp tôn trọng khả năng và tin tưởng vào đánh giá của họ. Mọi người thường đánh giá cao sự tôn trọng và yêu thích việc được tin tưởng.

3. "Làm ơn đừng nói với tôi tất cả về đời tư của anh..."

Nói về những chủ đề không liên quan đến công việc sẽ giúp xây dựng mối quan hệ cá nhân. Thế nhưng, nhiều vị sếp lại nói quá nhiều về mình trong khi không biết gì về những người khác. Các nhân viên, đặc biệt là nhân viên mới có thể chẳng quan tâm đến những việc như bạn đi nghỉ ở đâu, bạn có một bộ sưu tập đồ cổ hay ngôi nhà bên bờ biển...

Nhân viên mới muốn cảm thấy như họ đã thuộc về nơi đây, nhưng quan trọng hơn là biết mình có đang làm tốt công việc hay không.

Trong khi đó, những nhân viên đã làm việc cho bạn một thời gian lại muốn biết liệu bạn có quan tâm đến họ. Một vị sếp chỉ biết nói về mình chứng tỏ anh ta chỉ quan tâm đến bản thân.

4. "...bởi vì rõ ràng anh chẳng hề quan tâm đến cuộc sống cá nhân của tôi."

Một số vị sếp khi gặp nhân viên thường đưa ra các câu hỏi chung chung kiểu như "Lũ trẻ nhà bạn thế nào?", "Bạn có hoạt động nào vui vẻ sau giờ làm việc không" hay "Đội nào sẽ vô địch NBA năm nay?".

Thay vì đặt ra những câu hỏi chỉ mang tính xã giao, thiếu sự chân thành và có vẻ bắt buộc, hãy tìm hiểu một chút về nhân viên của mình để có được một cuộc trò chuyện hay ho hơn. Hoặc đơn giản hãy chỉ nói về công việc.

Một cách giúp nhân viên cảm thấy họ được quan tâm là áp dụng quy tắc 20%: Khi nói chuyện với nhân viên, không bao giờ nói nhiều hơn 20% tổng số thời gian. Cách tốt nhất thể hiện sự quan tâm là lắng nghe.

 

5. "Anh không thấy là tôi rất bận rộn sao?"

Đây là một tình huống có thể xảy ra. Bạn nói chuyện với nhân viên của mình và anh ta buộc phải dừng công việc lại để trả lời bạn. Khi bạn đi khỏi, anh ta phải 'vắt chân lên cổ' để kịp hoàn thành cả 'núi' công việc.

Nhân viên muốn trò chuyện cùng bạn nhưng họ cũng phải làm việc. Đôi khi có những cách giải quyết thật đơn giản, đặc biệt nếu nhân viên của bạn đang làm công việc chân tay. Giúp đỡ họ trong khi trò chuyện. Bạn sẽ được đánh giá cao về điều đó, Trong những tình huống khác, hãy chọn một thời điểm hợp lý hơn. Đừng làm gián đoạn công việc của nhân viên chỉ vì bạn muốn kể một điều gì đó về bản thân mình.

6. "Thật ra, tôi muốn làm việc lâu dài tại đây."

Một người có thể chuyển việc vài lần trước tuổi 30. Lý do 'nhảy việc' có thể là vì tiền hoặc cũng có thể là do không hợp với sếp.

Hãy tìm hiểu lý do nhân viên muốn nghỉ việc và cách giải quyết vấn đề. Thay đổi công việc đôi khi rất căng thẳng, vì vậy hầu hết mọi người sẽ không ra đi nếu không có lý do chính đáng.

Nhìn, nghe, hành động thông mình...làm đúng công việc của mình và các nhân viên sẽ muốn ở lại với bạn.

7. "Phiếu quà tặng này thật là tuyệt vời, nhưng một lời 'cảm ơn' đơn giản sẽ có tác dụng hơn nhiều."

Mỗi khi bạn trả tiền lương cho nhân viên, đó là một cách bạn đang ngầm cảm ơn họ. Nhưng một lời 'cảm ơn' đơn giản có thể đem đến tác dụng hơn nhiều.

Hãy tìm lý do để cảm ơn các nhân viên của mình. Tìm ra một thành tích nào đó, cho dù nó nhỏ và bày tỏ sự đánh giá cao của bạn: "Cảm ơn vì bạn đã chăm sóc khách hàng rất tốt"; "Cảm ơn vì đã cho tôi biết về vấn đề của nhà kho, tôi đã không nhận ra các đơn đặt hàng đã liên tục bị trễ trong việc vận chuyển"...

Nói lời 'cảm ơn' đem đến lợi ích cho cả hai phía: nhân viên cảm thấy được đánh giá cao còn bạn có một cách tuyệt vời để bắt đầu một cuộc hội thoại đầy ý nghĩa.

 
Theo Người đồng hành.