Sử dụng Facebook để kinh doanh dịch vụ ẩm thực đang được ưa chuộng, bởi nó mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp, lại không tốn tiền thuê mặt bằng.
Người kinh doanh ẩm thực chỉ cần tạo một tài khoản Facebook để giới thiệu dịch vụ của mình. Khách đặt hàng, gọi món qua điện thoại hoặc bình luận trực tiếp, sau đó hàng được đưa đến tận nhà. Tuy không phải “ngon ăn” như nhiều người nghĩ, nhưng không ít chủ nhà hàng “ảo” đã kiếm được nhiều tiền từ dịch vụ này.
Bắt đầu từ làm chơi…
Dạo một vòng trên Facebook, bạn dễ dàng tìm thấy nhiều địa chỉ cung cấp từ rau củ quả, thực phẩm đến các món ăn, cơm phần… với thực đơn kèm hình ảnh vô cùng phong phú. Chị Hoàng Hân, một trong những khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ này cho biết: "Bắt chước cô bạn đồng nghiệp, tôi cũng gọi thử vài món ngon qua Facebook cho bữa chiều, không ngờ cả nhà đều khen. Món ăn tươi ngon lại đúng với khẩu vị của gia đình nên mọi người rất thích”.
Chị Trà My, một khách ruột của dịch vụ này cho biết: “Từ lúc có dịch vụ đặt món qua Facebook, tôi thường xuyên được thưởng thức những món mình thích mà không phải tốn thời gian nấu nướng và giá cả có khi còn rẻ hơn rất nhiều so với việc tự nấu nướng cho mỗi mình ăn”.
Riêng chị Lan Anh, người khởi xướng trang “Cơm Chiều Ngon”, lại bắt đầu ý tưởng kinh doanh từ nhu cầu của chính mình. Mỗi tuần, một người trong nhóm bạn bè sẽ phải nấu đồ ăn cho gia đình của những người khác trong nhóm, cứ thế thay phiên nhau để tiết kiệm thời gian và sức lực. Sau đó, chị bắt đầu chia sẻ những món ăn trên mạng và nhận được sự hưởng ứng của mọi người. Cũng từ đó, “Cơm Chiều Ngon” ra đời và cho đến nay đã thu hút hơn 200 khách đặt món thường xuyên.
Xem sơ qua thực đơn hàng ngày, không chỉ có những món đơn giản, quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày mà còn có nhiều món ăn độc đáo, cầu kỳ như sụn sườn non chưng mắm tép, cá quả xào nấm, dạ dày om tiêu, chim bồ câu hầm, cá sông kho riềng, thịt heo ngâm mắm... Bên cạnh đó, điều làm cho khách hàng yên tâm khi tìm đến dịch vụ này là họ không sợ ăn phải đồ cũ, có hoá chất, bởi các bếp thường chỉ nấu theo đơn đặt hàng và lựa chọn nguồn hàng rất kỹ. Có nhiều món sử dụng nguyên liệu đặc biệt hoặc chế biến công phu, khách hàng phải đặt trước cả tuần.
Kinh doanh không cần nhiều vốn
Chị Nguyệt Vy, nhà ở quận Bình Tân, làm kế toán cho một công ty cũng tranh thủ kinh doanh ẩm thực trên Facebook! “Thực sự lúc đầu tôi chỉ có ý định chia sẻ những đặc sản quê hương mình với những người bạn quen trên Facebook. Không ngờ nhận được yêu cầu bán thêm món này, món kia đã làm cho mình mở rộng shop lúc nào không hay”, chị Vy chia sẻ. Nhận thấy công việc này có thể mang lại lợi nhuận mà không gò bó thời gian, chị Vy nhận thêm dịch vụ cung cấp bữa cơm gia đình cho những người bận rộn. Chị kết hợp với hai bác xe ôm gần nhà để hỗ trợ chuyển hàng cho khách. Chị Vy cũng cho biết hiện tại thì lượng khách cũng khá ổn định với khoảng 10-20 đơn hàng mỗi ngày, doanh thu từ 1,5 - 2 triệu đồng, những hôm có khách đặt món cho tiệc thì doanh thu có thể tăng gấp đôi.
“Facebook là mạng xã hội, độ lan truyền rất nhanh, cho nên bất cứ sự lừa dối nào cũng đều dễ bị phanh phui. Chưa kể kinh doanh ẩm thực giống như “làm dâu trăm họ”, chỉ cần một vài lời bình luận mang tính “tố giác” coi như mất luôn thương hiệu”, một chủ nhà hàng online trên Facebook chia sẻ.
Xem ra, dù là kinh doanh trên mạng thì các ông bà chủ cũng không thể qua loa, xuề xoà được. Kiếm tiền, dù ở đâu cũng phải có sự đầu tư nghiêm túc mới mang lại lợi nhuận lâu bền.
Theo Khởi nghiệp