Đối với việc gầy dựng một sự nghiệp, chắc chắn phải có rất nhiều vấn đề khiến ta quan tâm, thậm chí khá đau đầu, chẳng hạn như huy động vốn như thế nào, tìm đối tác ra sao, thị trường nào khả thi,… và dĩ nhiên không thể không nhắc đến qui trình thủ tục để thành lập một doanh nghiệp.
Hãy cùng TheBusiness.vn khám phá qui trình ấy một cách chi tiết hơn nào!
Bước 1: Chuẩn bị các thông tin để lập hồ sơ doanh nghiệp.
- Lựa chọn loại hình doanh nghiệp để bắt đầu khởi nghiệp. Đây là bước rất quan trọng có tính chất quyết định đến sự thành bại của ý tưởng kinh doanh mà bạn đem ra áp dụng trong thực tiễn.
- Sau khi lựa chọn được loại hình, bạn chuẩn bị chứng minh nhân dân (hoặc Hộ chiếu) bản sao có công chứng.
- Lựa chọn đặt tên công ty, tốt nhất bạn lên lựa chọn đặt tên công ty ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phát âm và tên công ty này không bị trùng lắp hoàn toàn với các đơn vị đã thành lập trước đó (áp dụng trên toàn quốc) quý khách có thể tham khảo tên các doanh nghiệp tại cổng “Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia”.
- Chọn địa chỉ trụ sở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của công ty.
- Lựa chọn số vốn điều lệ để đưa ra kinh doanh.
- Lựa chọn chức danh người đại diện theo pháp luật của công ty. Về chức danh người đại diện theo pháp luật của công ty nên để chức danh người đại diện là giám đốc (tổng giám đốc).
- Lựa chọn ngành nghề kinh doanh chuẩn hoá theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, nếu công ty định thành lập có ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần bổ sung các giấy tờ sau:
- Ngành nghề yêu cầu vốn pháp định: Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (tham khảo ngành nghề cần vốn pháp định tại đây).
- Ngành nghề yêu cầu có chứng chỉ hành nghề: Bản sao chứng thực chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân công ty (tham khảo Ngành nghề kinh doanh cần chứng chỉ hành nghề tại đây).
Bước 2: Quy trình thành lập công ty
Sau khi chuẩn bị đầy đủ những thông tin về việc thành lập công ty tiến hành việc soạn thảo hồ sơ và nộp hồ sơ tại cơ quan cấp phép kinh doanh.
- Soạn thảo hồ sơ công ty (Công ty Cổ phần, Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, doanh nghiệp tư nhân ….)
- Sau khi có đầy đủ các giấy tờ quy định tại Điều 20 Nghị định 43 Về Đăng kí doanh nghiệp, bạn tiến hành nộp hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (Điều 25 Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010).
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiêp có thể trực tiếp đi nộp hoặc ủy quyền cho người khác đi nộp. Nếu trường hợp ủy quyền thì người được ủy quyền cần có giấy ủy quyền hợp lệ (Điều 9 - Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT ngày 21/01/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể đăng ký thành lập công ty qua mạng thông qua trang WEB của sở kế hoạch và đầu tư, với thời gian cực kỳ chính xác và nhanh chóng. Bạn không cần đến sở kế hoạch để nộp và nhận giấy phép nếu đăng ký thêm dịch vụ nộp và trả kết quả qua bưu điện.
- Sau 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ của bạn hợp lệ bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp (Khoản 4 Điều 25 Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010).
Lưu ý: Tích hợp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế và mã số xuất nhập khẩu trong một mẫu duy nhất.
Bước 3: Thủ tục làm con dấu pháp nhân
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn cầm một bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến cơ sơ có chức năng khắc dấu để thực hiện việc làm con dấu pháp nhân cho công ty.
Cơ sở khắc dấu sau khi khắc xong dấu pháp nhân sẽ chuyển cho cơ quan công an tỉnh, thành phố để công an tiến hành kiểm tra đăng ký và trả con dấu cho doanh nghiệp.
Khi đến nhận con dấu, đại diện doanh nghiệp mang theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản gốc) và xuất trình CMND cho cơ quan công an. Ngoài ra, nếu đại diện hợp pháp của doanh nghiệp không thể trực tiếp đi nhận con dấu thì có thể ủy quyền (ủy quyền có công chứng) cho người khác đến nhận con dấu.
Bước 4: Thủ tục sau thành lập công ty
Một doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề không có điều kiện sau khi có Đăng ký kinh doanh và con dấu là có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình theo quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên theo quy định pháp luật, sau khi có Đăng ký kinh doanh Doanh nghiệp cần thực hiện các công việc như sau:
- Tiến hành đăng ký khai thuế ban đầu với cơ quan thuế tại nơi đăng ký kinh doanh trong thời hạn quy định.
- Tiến hành đăng ký kê khai thuế qua mạng điện tử thông qua dịch vụ chữ ký số, "Từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 tất cả các doanh nghiệp trong cả nước phải kê khai, nộp tờ khai thuế qua mạng, nội dung này được quy định trong Luật số 21/2012/QH13 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế".
- Đăng báo (Điều 28 Luật Doanh nghiệp);
- Nộp tờ khai và nộp thuế môn bài (theo Mẫu số 01/MBAI ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài Chính).
- Nộp thông báo áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) (theo Mẫu số 06/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài Chính).
- Làm thủ tục mua, đặt in, tự in hóa đơn theo thông tư 39/2014/TT-BTC hóa đơn chứng từ có hiệu lực từ 01/06/2014. Kể từ ngày 1/9/2014 các doanh nghiệp mới thành lập sẽ được đăng ký phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và được đặt in hóa đơn GTGT sử dụng.
- Doanh nghiệp bắt buộc dán hoặc treo "hóa đơn mẫu liên 2" tại trụ sở công ty.
- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện kinh doanh đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện;
Theo Tư vấn luật 24h