Trong bối cảnh nhà nhà làm ứng dụng, người người làm ứng dụng thì thành công của Money Lover – một trong top các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân trên thế giới của một nhà sáng lập Việt Nam là những kinh nghiệm quý báu cho các nhà phát triển ứng dụng độc lập trong nước.
Cũng như nhiều nhà phát triển ứng dụng độc lập khác tại Việt Nam, anh Ngô Xuân Huy bắt đầu với nền tảng về Công nghệ thông tin. Vào thời điểm làm Money Lover, tuy có nhiều kinh nghiệm lập trình nhưng kinh nghiệm về thiết kế giao diện hay làm cách nào để tiếp thị một ứng dụng tốt đều không phải là điểm mạnh của Huy. Mặc dù vậy, Money Lover đã đạt 600,000 lượt tải trên kho ứng dụng Google Play sau 1,5 năm và khoảng hơn 40,000 lượt tải trên iOS sau một năm. Đâu là bí quyết thành công của Huy ?
Muốn tạo ra sản phẩm, trước hết phải là người dùng
Huy cho rằng, mình phải là người dùng, trước khi mình là người tạo ra sản phẩm. Money Lover được sinh ra với mục đích ban đầu là phục vụ nhu cầu của chính tác giả.
Gặp vấn đề trong việc quản lý tài chính cá nhân, Huy thử dùng các ứng dụng khác nhau để giải quyết vấn đề của mình. Tuy nhiên, anh không thể dùng được các ứng dụng đang có trên thị trường, do hầu hết các ứng dụng này đều được kết nối với thẻ tín dụng, hình thức giao dịch hàng ngày ở nước ngoài nhưng lại chưa phổ biến tại Việt Nam. Vì vậy, mong muốn tạo ra một ứng dụng dùng để ghi lại những khoản chi tiêu nhỏ nhất và phù hợp với thị trường Việt Nam ra đời.
Triết lý phải là người dùng của chính sản phẩm của mình, luôn được áp dụng trong mọi sản phẩm của Huy. Anh cho biết, mỗi lần có ý tưởng về sản phẩm mới, anh luôn tìm hiểu trên thị trường, đã có sản phẩm nào tương tự với ý tưởng của mình chưa ? Nếu có rồi thì điểm mạnh, điểm yếu của từng sản phẩm là gì ? Mình có làm nó tốt hơn được không ?
“Người tạo nên sản phẩm phải hiểu rõ sản phẩm của mình, hiểu rõ các sản phẩm tương tự chứ không nên sao chép tính năng mà không rõ bản chất”, Huy nói.
Tuy không có kinh nghiệm về thiết kế giao diện cho ứng dụng nhưng với kinh nghiệm lập trình và dùng thử nhiều sản phẩm trong quá trình làm founder (nhà sáng lập) hai diễn đàn game4v.vn và pes.vn, Huy hiểu rõ làm thế nào để người dùng dễ sử dụng và cảm thấy thoải mái khi dùng Money Lover đó là “giao diện có thể xấu nhưng phải dễ dùng”.
Một tuần sau khi ra đời, Money Lover được giới thiệu lên XDA, diễn đàn hàng đầu cho dân lập trình Android và nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ người dùng trên toàn thế giới. Không bỏ qua bất cứ ý kiến nào, Huy trả lời hết các lời bình luận góp ý và mail anh nhận được.
Nhờ các ý kiến đóng góp từ người dùng, anh liên tục thử nghiệm, kể cả những thử nghiệm nhỏ như vị trí đặt thanh menu, để mang lại sự thoải mái và tiện dụng cho người dùng. Ngoài các ý kiến đóng góp về sản phẩm, anh Huy còn nhận được sự giúp đỡ của người dùng khi giúp anh thiết kế các biểu tượng phù hợp với văn hóa, tiền tệ của đất nước họ, giúp Money Lover có hơn 35 ngôn ngữ khác nhau.
Vì vậy, từng có thời điểm gần 1000 lượt gỡ bỏ ứng dụng trên 2000 lượt tải mỗi ngày nhưng do luôn hướng đến người dùng nên Money Lover dần xây dựng được những khách hàng trung thành. Nhờ vậy mà đầu năm 2013, Money Lover đạt lượng người dùng trả tiền khá cao là 2%, ước tính mang lại doanh thu khoảng 35,000 đô-la Mỹ sau 1,5 năm ra đời.
Tiếp tục phục vụ người dùng ngay cả khi sản phẩm đã hoàn thiện
Hiểu rõ điểm yếu của sản phẩm như Money Lover là bắt buộc người phải nhập dữ liệu hàng ngày, Huy đang cố gắng kết nối với các merchant (bên bán) để họ cùng tham gia vào hệ thống của Money Lover, giúp tự động ghi lại chi tiêu khi người dùng thanh toán tiền khi mua sắm ở phía bên bán.
Tự nhận mình là người không giỏi về thiết kế cũng như tiếp thị nhưng Money Lover đã thành công bằng việc đặt người dùng là trung tâm của sản phẩm. Trong mọi giai đoạn của sản phẩm, từ quá trình lên ý tưởng, lập trình đến khâu hoàn thiện, nhà sáng lập Money Lover luôn lắng nghe để hiểu mong muốn của người dùng từ đó mang lại một sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của họ với những trải nghiệm tốt nhất.
Theo Action.vn