Không có bằng MBA, vẫn có thể thành công

28 tháng 07, 2015
Không cần phải theo học một chương trình MBA, bạn vẫn có thể thành công bằng việc rèn luyện và phát triển các kĩ năng cần thiết cho việc kinh doanh của bạn.

Thực tế, bạn hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu này với những phương pháp hiệu quả và ít tốn kém hơn.

1. Phát triển kỹ năng bán hàng

Bán hàng có vài trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Nếu không có buôn bán, sẽ không có sự trao đổi tiền tệ hay hàng hóa ngoại trừ việc cướp bóc hoặc thu thuế. Việc sở hữu kỹ năng bán hàng xuất sắc chính là lợi thế cạnh tranh của bạn.

Trong thực tế, một người bình thường nhưng biết bán hàng chắc chắn sẽ tiến xa hơn một người vượt trội nhưng chẳng có kỹ năng bán hàng nào. Nhưng nếu những người vượt trội ấy sở hữu kỹ năng bán hàng xuất sắc thì họ chính là những người thắng lớn trong giới kinh doanh.

Điều này đặc biệt đúng đối với các doanh nhân. Bạn có thể có những ý tưởng tuyệt vời nhất trong giới kinh doanh, nhưng nếu bạn không có khả năng bán các ý tưởng đó thì bạn sẽ không thể thu hút được nhà đầu tư, khách hàng hay nhân viên tiềm năng.

Điều này cũng đúng đối với tất cả những người khác. Việc tìm được một công việc tốt luôn đi cùng với việc bạn phải biết cách “bán” bản thân cũng như các kỹ năng của mình. Và để trở nên thành công trong bất kỳ công việc nào, bạn cần phải bán được giá trị của những dịch vụ mà bạn đang cung cấp.

2. Thông thạo một ngoại ngữ

Mặc dù việc này sẽ tốn nhiều công sức, nhưng bạn hãy nhớ rằng chúng ta đang so sánh với nỗ lực cho cả một năm học tại một trường kinh doanh. Một doanh nhân trung bình có thể thành thạo ngoại ngữ trong vòng 2 năm nếu dành ra 6 tiếng mỗi ngày để trau dồi.

Trung Quốc đang ngày càng chi phối nền kinh tế thế giới và hiện nay đã trở thành nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới, vì thế tiếng Hoa là một lựa chọn tất nhiên của những doanh nhân biết nhìn xa trông rộng.
Việc giao tiếp với các đối tác kinh doanh người Hoa bằng tiếng mẹ đẻ của họ sẽ mang lại cho bạn lợi thế rõ rệt trước những đối thủ mà phải cần đến người phiên dịch, thậm chí có thể tạo tiếng vang lớn cho thương hiệu cá nhân của bạn ở Trung Quốc giống như Mark Zuckerberg.

3. Học cách viết code

Học viết code được coi là mốt nhất thời trong giới kinh doanh, nhưng nó hoàn toàn có thể mang lại lợi ích cho công việc của bạn.

Trước hết, viết code yêu cầu một tư duy logic và mạch lạc. Nó đòi hỏi bạn phải biến những thứ phức tạp thành nhiều phần tách biệt, nhỏ hơn và đơn giản hơn. Đây chính là cốt lõi của kỹ năng quản lý nguồn lực và thời gian.

Thứ hai là, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng việc tạo và cập nhật một chương trình con dễ dàng hơn việc cập nhật các đoạn code cùng chức năng nằm rải rác nhiều nơi trong chương trình. Do vậy, một chương trình được thiết kế tốt giống như một tổ chức có cơ cấu tốt.

Thứ ba là, việc lập trình ngôn ngữ (giống như mọi ngôn ngữ) tác động tới tư duy của con người. Hiểu được một nguyên tắc nào đó trong kỹ thuật, nếu không tính đến các thuật ngữ kỹ thuật, sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc hiểu và đồng cảm với những người kỹ sư.

Cuối cùng, mọi doanh nghiệp đều hoạt động dựa vào phần mềm, từ hệ thống chuỗi cung ứng cho đến những ứng dụng trên điện thoại của khách hàng. Những người đưa ra quyết định trong thời đại ngày nay nếu không có kiến thức về code cũng giống như những ông trùm đường sắt của thế kỷ 19 không hiểu cơ chế hoạt động của động cơ chạy bằng hơi nước.

4. Trở thành một bậc thầy về kể chuyện

Bạn có nhớ những buổi nói chuyện về “nền kinh tế thông tin” không? Thực sự là hiện nay con người đang bị chìm ngập trong mọi loại thông tin. Thông tin, từ một lợi thế cạnh tranh, giờ đây đã biến thành một gánh nặng lớn.
Khác xa so với nền kinh tế thông tin, chúng ta đang nhanh chóng tiến đến nền kinh tế kể chuyện. Mọi người không cần thông tin mà họ muốn biết bạn, công ty của bạn và sản phẩm của bạn phù hợp với cuộc sống của họ như thế nào. Họ muốn bạn kể câu chuyện của chính họ.

 

 
Hầu hết các doanh nhân ngày nay đều không khó khăn gì trong việc ném các số liệu vào bảng tính hay biểu đồ vào PowerPoint, nhưng không phải ai cũng biết làm thế nào để kể một câu chuyện hay.
Để trở thành một người kể chuyện giỏi, trước tiên bạn hãy học từng phần của câu chuyện. (Bạn có thể tham khảo cuốn “What Great Salespeople Do”.) Sau đó dành khoảng 50 tiếng để nghe chương trình “The Moth Radio Hour”. Bạn sẽ thấy nó rất thú vị, và cùng với sự luyện tập, bạn có thể đốn ngã trái tim của người nghe bằng khả năng kể chuyện của mình.

5. Viết một cuốn sách bán chạy nhất

Đừng để cụm từ “bán chạy nhất” khiến bạn nghĩ rằng việc này là khó khăn. Gần như bất cứ ai cũng có thể lọt vào danh sách tác giả bán chạy nhất của tờ New York Times hay Wall Street vào ngày xuất bản nếu họ nhờ đủ (hoặc trả đủ) bạn bè và đối tác kinh doanh để đặt mua trước ít nhất 2.500 bản.

Một khi cuốn sách của bạn trở thành cuốn bán chạy nhất, thương hiệu cá nhân của bạn sẽ từ “Joe Schmo” trở thành “Joe Schmo – Tác giả bán chạy nhất” và thực sự là nghe ấn tượng hơn hẳn so với “Joe Schmo, MBA”.
Kể cả khi bạn tự viết, xuất bản và truyền thông cho cuốn sách của mình mà không cố gắng để lọt vào danh sách tác giả bán chạy nhất, thì việc có một cuốn sách được xuất bản cũng có giá trị hơn so với việc đưa ra một tấm danh thiếp. Gửi tặng sách cho khách hàng và những đối tác tiềm năng sẽ mở ra nhiều cánh cửa cơ hội cho bạn hơn là ba chữ MBA nối sau tên của bạn.

6. Mở một doanh nghiệp của riêng bạn

Có lẽ không cần phải nói gì thêm về điều này bởi đó là cách rất nhiều người trẻ hiện nay lựa chọn để đi đến thành công.
 
Theo Người đồng hành